HÔN LỄ 3 MIỀN KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO ?

Sự khác biệt về vị trí địa lý tất nhiên sẽ tạo nên nhiều điểm khác nhau về đặc trưng văn hóa cũng như phong tục tập quán ở từng vùng miền. Tương tự, phong tục cưới hỏi ở 3 miền Bắc – Trung – Nam đều có những nét độc đáo, hay ho riêng mà có thể bạn chưa từng nghe qua, cùng theo dõi thử xem hôm nay tụi mình sẽ mang điều gì vào bài viết này, bạn nhé!

1/ Lễ cưới miền Nam:

Theo đúng phong tục ngày xưa thì phải có 3 nghi thức là: dạm ngõ, ăn hỏi và đón dâu. Tuy nhiên do tư tưởng có phần cởi mở và phóng khoáng hơn nên nhiều gia đình miền Nam ngày nay thường “nhảy qua” lễ dạm ngõ mà tiến hành làm lễ ăn hỏi – đón dâu luôn trong cùng một ngày, lược bớt phần lễ nghi và cũng tiện cho thông gia hai nhà đỡ di chuyển qua lại vất vả.

Dù có thể giảm nhẹ và đơn giản hóa một vài nghi thức là thế, nhưng người miền Nam vẫn giữ lại một phong tục quan trọng trong ngày đón dâu, đó chính là Lễ Lên Đèn, hay còn được gọi là Lễ Thượng Đăng. Tức là khi đón dâu, phía nhà trai sẽ mang theo một cặp đèn cầy to, sau khi hai bên thông gia chào hỏi, mời nhau trà rượu… thì người đại diện nhà trai sẽ xin được làm lễ lên đèn. Lúc này cặp đôi sẽ tự tay thắp đèn cầy (hiểu là lửa hương hỏa) và đặt lên bàn thờ gia tiên – nơi phải có đủ “hương đăng hoa quả” (là nhang, đèn, trái cây í) như là xin phép tổ tiên cho hai người chính thức trở thành vợ chồng, xin được bảo ban và gắn kết đến đầu bạc răng long.

Có người còn nói ngọn lửa phải cháy thong dong, đều đặn thì mới tốt, còn nếu bên cao bên thấp thì chàng rể sẽ…sợ vợ, cô dâu sẽ lấn lướt chồng. Hông biết điều này có thật hay không nhưng mà mấy anh nhịn “nóc nhà” một tí cho cổ vui thì cũng dễ thương mà.

2/ Lễ cưới miền Bắc

Khác với miền Nam, người miền Bắc thường được biết đến bởi tính cách nghiêm chỉnh và quy củ, bởi thế nên các nghi thức cưới hỏi nơi đây được tổ chức có phần nề nếp và khắt khe hơn, chí ít phải giữ được đầy đủ 3 lễ chính, là: Dạm ngõ, Lễ hỏi và Rước dâu.

2.1/ Dạm ngõ: ở miền Bắc, lễ dạm ngõ là một buổi gặp mặt thân mật giữa hai bên gia đình để thưa chuyện với nhau, do đó không cần quá đông khách tham dự, chỉ cần mời một vài người họ hàng thân thiết là đã đủ ấm cúng. Trong ngày này, phía nhà trai cần chuẩn bị sính lễ cho gia đình cô dâu, về phần tiếp đón của nhà gái cũng không quá cầu kì, chỉ cần một ít bánh kẹo, trà và trái cây… Sau khi nhà trai trao lễ, nhà gái sẽ đưa lên bàn thờ tổ tiên để thắp hương, sau đó hai bên gia đình sẽ ngồi lại với nhau bàn bạc, thống nhất một số thứ cho các nghi lễ kế tiếp.

2.2/ Lễ ăn hỏi: Đối với người miền Bắc thì lễ ăn hỏi không thể thiếu cốm và hồng, tùy vào điều kiện gia đình mà sẽ có thêm heo sữa quay. Một lưu ý khác trong lễ ăn hỏi ở miền Bắc là số lượng tráp luôn là số lẻ, vì số lẻ tượng trưng cho yếu tố “dương”. Nhưng số lượng lễ vật trong từng tráp thì lại luôn là số chẵn, với ý nghĩa là có đôi có cặp, thông thường lễ ăn hỏi sẽ diễn ra trước đám cưới ít nhất 1 tuần đến 10 ngày.

2.3/ Lễ rước dâu: Sau khi chọn được giờ giấc cụ thể, đại diện nhà trai sẽ xin phép được đón cô dâu đi. Theo phong tục truyền thống ở miền Bắc, cô dâu phải đi thẳng một mạch, không được ngoảnh lại, bố chồng sẽ là người đưa cô gái về nhà chồng, mẹ không dắt dâu để tránh cảnh chia ly buồn bã. Và trên đường về nhà trai, cô dâu phải mang theo một ít tiền lẻ để thả rơi khi đi qua các ngã ba, ngã tư… và phải rút một bông hoa cưới ném xuống đường nếu gặp đám cưới đi ngược chiều.

3/ Lễ cưới Miền Trung

Các nghi lễ thường thấy ở các lễ cưới hỏi miền Trung sẽ là lễ xin giờ, nghinh hôn, bái tơ hồng, lễ rước dâu sẽ diễn ra ở nhà gái, còn đón dâu và lễ gia tiên sẽ ở nhà trai. Thông thường bố mẹ cô dâu sẽ không đi theo xe lúc đưa dâu, mà đợi sang hôm sau mới đến nhà trai, mục đích để xem cô con gái ngày đầu về làm dâu nhà chồng có làm điều gì phật ý họ hay không.

Bên cạnh đó, người Huế cũng không có tục thách cưới, lễ vật tối thiểu chỉ gồm có mâm trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng, bánh phu thê. Nếu khá giả, nhà trai có thể thêm bánh kem, bánh dẻo, nhưng sẽ không có “lợn quay đi lọng” như ở nhiều nơi. Ngoài ra, đám cưới ở miền Trung luôn có phù dâu, phù rể và hai đứa trẻ, thường là 1 trai 1 gái, tuổi tương đương nhau cầm lồng đèn hay cầm hoa trên tay dẫn đường đi trước.

Trên đây là những nét văn hóa mang màu sắc rất riêng của từng vùng miền, tuy có đôi chút khác nhau về phong tục cưới hỏi, nhưng các bậc trưởng bối dù là ở đâu cũng đều mong muốn điều may mắn sẽ đến gõ cửa nhà của đôi uyên ương, cầu mong cho con cháu của mình được hạnh phúc lâu bền và thuận buồm xuôi gió, đúng không nè!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *